Phụng vụ Lời Chúa Tuần 7 Thường Niên

Trọng kính Cộng đồng Dân Chúa,
Như thường lệ chúng ta trước hết hãy theo dõi bài suy niệm và chia sẻ cho CN 7 TN Năm C mở đầu của Đức TGM Ngô Quang Kiệt,
sau đó chúng ta tiếp tục với toàn bộ PVLC kèm theo các bài chia sẻ cùng hạnh các thánh ở những đường kết nối từng ngày trong tuần.

Chúa Nhật 7 Thường Niên

YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA

- 1S 26,2.7-9.12-13.22-23

- 1Cr 15,45-49

Lc 6, 27-38

II. TẤM BÁNH CHIA SẺ

Bài đọc I và bài Tin mừng hôm nay đều nói về sự tha thứ. Nhưng ở mức độ khác nhau.

Bài đọc I tường thuật sự tha thứ của David. David làm ơn mà mắc oán. Sau khi chiến thắng Goliath, giải phóng dân Do thái khỏi tay người Philistin, ông được dân chúng ca ngợi. Sự ngưỡng mộ của dân chúng đối với David khiến vua Saul ghen tỵ. Saul tìm bắt David để giết đi. Hôm nay, sau một cuộc săn lùng mệt mỏi, Saul ngủ thiếp đi trong hang đá. David đến mà không ai hay biết. Có thể giết Saul, nhưng David đã không làm. Trong David có cái mà ta gọi là bao dung, độ lượng, cao thượng. Tuy nhiên sự tha thứ của David vẫn chưa hoàn toàn tự phát. Ông không dám giết Saul một phần vì sợ xúc phạm đến “người được Thiên chúa xức dầu”.

Trong quan hệ giữa người với người, nếu tha thứ bạn sẽ được tiếng là độ lượng, còn người được tha thứ bị coi là thua kém bạn. Bạn được lợi còn người kia bị thiệt.

Trong bài Tin mừng, Chúa Giêsu đòi hỏi người môn đệ phải vượt qua cái thường tình. Người muốn môn đệ vươn đến sự tha thứ hoàn hảo. Sự tha thứ hoàn hảo của Tin mừng phải biểu lộ bằng hành động cụ thể: “Ai vả anh em má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh em, thì cũng đừng cản họ lấy áo trong. Ai xin thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh em, thì đừng đòi lại”.

Không chỉ dừng lại ở hành động bên ngoài, sự tha thứ hoàn hảo phải thấm sâu vào lý trí, không lấy ác báo ác, nhưng cũng không nghĩ xấu về người khác: “Anh em đừng xét đoán, thì sẽ khỏi bị Thiên chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ khỏi bị Thiên chúa lên án”.

Thấm vào lý trí đã là một bước tiến dài nhưng vẫn chưa đủ, sự tha thứ còn phải lan đến tận trái tim là trung tâm của tình yêu. Khi đã chiếm lĩnh được trái tim, sự tha thứ trở nên một sức mạnh kỳ diệu dẫn đến những hành động tích cực, lấy đức báo oán, đem yêu thương xoá bỏ hận thù. Khi ấy ta mới có thể thực hành Lời Chúa dạy: “Anh em phải yêu thương kẻ thù và làm ơn cho kẻ oán ghét mình, phải chúc lành cho kẻ nguyền rủa mình và cầu nguyện cho kẻ nhục mạ mình”.

Với những lời dạy dỗ trên, Chúa Giêsu muốn cho môn đệ của Người tha thứ và yêu thương không phải như người thường nhưng như Thiên Chúa “Người nhân hậu cả với những phường vô ân, với những quân độc ác”. Người muốn cho các môn đệ của Người “từ bi như Cha trên trời là Đấng từ bi”.

Với những lời dạy dỗ trên, Chúa Giêsu muốn thanh tẩy thế giới sạch mọi oán thù. Không phải chỉ sạch oán thù ngoài mặt nhưng sạch từ trong thâm tâm mỗi người. Không phải chỉ bằng mặt mà còn phải bằng lòng. Sào huyệt vững chắc nhất của oán thù không phải ở nơi người khác nhưng ở trong lòng ta. Muốn thế giới hết oán thù, chính bản thân ta phải từ bỏ oán thù trước. Muốn thế giới sống trong yêu thương, chính ta phải yêu thương trước. Yêu thương giống như ngọn lửa thắp lên rồi sẽ cháy lan mạnh mẽ. Yêu thương giống như bầu khí toả ra sẽ lan tới từng buồng phổi, sẽ thấm vào từng mạch máu. Yêu thương chính là sức mạnh biến đổi thế giới sâu xa nhất. Yêu thương là cuộc cách mạng bền vững nhất.

Chúa Giêsu không chỉ nói suông. Chính Người đã thực hành những điều Người nhắn nhủ các môn đệ. Người để cho quân lính bắt đi như con chiên hiền lành đứng trước người thợ xén lông. Người chữa lành tai cho kẻ đến bắt Người. Người không nói một lời nào trách móc những kẻ làm điều ác cho Người. Sau cùng, lúc bị treo trên thánh giá, Người còn cầu nguyện cho những kẻ giết Người. Người đã minh chứng một tình yêu nguyên tuyền không bợn chút oán thù. Người đã minh chứng một tình yêu mãnh liệt vượt qua mọi ghen ghét.

Hạt giống yêu thương Người đã gieo xuống. Người mong ta tiếp tục vun tưới cho cây yêu thương kết trái đơm hoa. Ngọn lửa yêu thương Người đã thắp lên. Người mong ta hãy đem lửa ấy chiếu soi khắp thế giới.

Lạy Trái Tim Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin uốn lòng con nên giống Trái Tim Chúa.

III. TẤM BÁNH HOÁ NHIỀU

1- Khi có người xúc phạm đến bạn, bạn thường tìm cách báo thù hay tìm cách tha thứ?

2- Mỗi khi mang mối oán thù trong lòng, bạn cảm thấy thế nào? Thanh thản hay bứt rứt?

3- Bạn đã tha thứ cho ai bao giờ chưa? Bạn cảm thấy thế nào sau khi đã tha thứ?

4- Sự tha thứ hoàn hảo mà Chúa dạy ta là gì?

5- Chúa Giêsu đã thực hành sự tha thứ như thế nào?


Thường Niên Tuần 7

(xin bấm vào hàng chữ trên để theo dõi các bài chia sẻ PVLC
hàng ngày và hạnh các thánh tùy ngày trong tuần)

Bài Thánh ca Thương xót

- https://youtube.com/live/KcabanGb9V4

MTN.CNVII-C.mp3 / 

https://youtu.be/xf9maPZIg4k

CN.VII.TN-C.mp3 / CN-VII.TN.mp3

DTCPhanxico-HuanTuTruyenTinCNVIITN-C.mp3 

https://youtu.be/LjOsPvHWqQw

ThanhPolycarpoGMTD.mp3 / 

https://youtu.be/qZjZv4TQQxs (23/2 - Chúa Nhật)

Thu.2.VII-TN.mp3

Thu.3.VII.TN.mp3

Thu.4.VII-TN.mp3

Thu.5.VII-TN.mp3

ThanhGregoryNarek.mp3 /  

https://youtu.be/ohJnx-3lvc0 (27/2 - Thứ Năm)

Thu.6.VII-TN.mp3

Thu.7.VII-TN.mp3

Suy Niệm Cảm Nghiệm

Tiếp tục đề tài sống trọn lành (ở bài Phúc Âm tuần trước về tứ phúc và tứ khốn), Chúa Giêsu, trong bài Phúc Âm hôm nay, muốn trọn lành hóa thành phần theo làm môn đệ của mình, nhất là với 12 vị tông đồ vừa được tuyển chọn để vừa làm chứng nhân cho Người vừa kiêm vai trò thừa tác của Người, Chúa Giêsu đã đi thẳng và đi ngay vào những gì chính yếu nhất và thiết yếu nhất Người muốn nói với các vị và muốn các vị sống như vậy.

Thật thế, ngay sau khi mở màn như một dạo khúc cho bài huấn dụ trọn lành cũng là bài huấn dụ về lòng cảm thương này, một dạo khúc bao gồm 4 "phúc" hạnh và 4 "khốn" nạn tương phản nhau, một dạo khúc đã được Chúa Giêsu tài tình hòa âm cho hai bè hát xung khắc nhau, nhưng một khi trình diễn với tất cả hồn sống của mình thì chính ca sĩ mới cảm thấy thấm thía hơn bao giờ hết, nhất là khi hát đến các phiên khúc chính yếu và các kết thúc của bản thánh ca thương xót huyền diệu siêu vời này.

Bản Thánh Ca Thương Xót này, mà điệp khúc là phần hòa âm hai bè "phúc/khốn" đầy tính chất giằng co nhức nhối, có tất cả 2 phiên khúc và 2 đoạn kết thứ tự được liệt kê như sau:

Bài Thánh Ca Thương Xót - Phiên khúc thứ nhất:

"Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình. Ai vả con má bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì con hãy cho, và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại".

Bài Thánh Ca Thương Xót - Phiên khúc thứ hai:

"Các con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy. Nếu các con yêu những kẻ yêu các con, thì còn ân nghĩa gì nữa? Vì cả những người tội lỗi cũng yêu những ai yêu họ. Và nếu các con làm ơn cho những kẻ làm ơn cho các con, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng làm như vậy. Và nếu các con cho ai vay mượn mà trông người ta trả lại, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng cho những kẻ tội lỗi vay mượn để rồi được trả lại sòng phẳng".

Bài Thánh Ca Thương Xót - Đoạn tạm kết:

"Vậy các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mượn mà không trông báo đền. Phần thưởng của các con bấy giờ sẽ lớn lao, và các con sẽ là con cái Ðấng Tối Cao, vì Người nhân hậu với những kẻ bội bạc và những kẻ gian ác".

Bài Thánh Ca Thương Xót - Đoạn tận kết:

"Vậy các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Ðấng nhân từ. Ðừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được thứ tha. Hãy ban tặng, thì các con sẽ tặng lại; người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy".

Tất cả nội dung và ý nghĩa của bản Thánh Ca Thương Xót này, tức là tột đỉnh của bản Thánh Ca Trọn Lành này đều được cô đọng ở chung đoạn tổng kết và ở riêng câu đầu của đoạn tổng kết ấy, đó là: "các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Ðấng nhân từ". Mà "nhân từ như Cha các con là Ðấng nhân từ" ở chỗ nào, nếu không phải, cũng trong đoạn tổng kết, ở 4 thái độ thứ tự là: 1- "Ðừng xét đoán", 2- "Ðừng kết án", 3- "Hãy tha thứ" và 4- "Hãy ban tặng".

Trong 4 thái độ để phản ảnh lòng nhân từ của Cha trên trời xót thương nhân loại vừa được tóm kết trên đây, có 2 thái độ mang tính cách tránh những gì là tiêu cực: 1- "Ðừng xét đoán", 2- "Ðừng kết án", và 2 thái độ có tính cách thực hiện những gì là tích cực: 3- "Hãy tha thứ"  4- "Hãy ban tặng". 

1- "Ðừng xét đoán" và2- ừng kết án": bởi vì, "Thiên Chúa không sai Con Ngài đến thế gian để luận án thế gian nhưng là để thế gian nhờ Người mà được cứu độ" (Gioan 3:16). Bởi vậy, những ai muốn "thương xót như Cha thương xót", nhất là thành phần môn đệ của Chúa Kitô được Người tuyển chọn làm chứng nhân cho Người, cũng "đừng xét đoán" và "đừng kết án".  

3- "Hãy tha thứ"  4- "Hãy ban tặng": bởi vì, "Thiên Chúa đã yêu thế gian đến ban Người Con duy nhất của Ngài, để ai tin vào Người thì không phải chết ("tha th") nhưng được sự sống đời đời ("ban tặng")" (Gioan 3:16). Bởi vậy, những ai muốn "thương xót như Cha thương xót", nhất là thành phần môn đệ của Chúa Kitô được Người tuyển chọn làm chứng nhân cho Người, cũng "hãy tha thứ" và "hãy ban tặng", ở chỗ vừa "tha thứ" vừa "ban tặng" đúng như phiên khúc 1 đã khuyên dạy: (Tha Thứ) - "Ai vả con má bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong". (Ban Tặng) - "Ai xin, thì con hãy cho, và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại".

Gương mẫu sống điển hình nhất cho giáo huấn trọn lành của Bài Phúc Âm hôm nay phải nói là vị vua thứ hai tương lai của dân Do Thái, đó là Đavít. Thật vậy, trước khi làm vua, chàng thanh niên Đavít này đã thắng tên Goliát cồ tượng của quân Philitinh bằng mấy viên đá, bởi chàng chỉ hoàn toàn tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa mà thôi (xem 1Samuel 17:41-54). Tuy nhiên, chàng không ngờ lại được các thiếu nữ đón mừng bằng một lời chạm tự ái Vua Saolê (xem 1Samuel 18:6-9), nên bị Saulê tìm cách hãm hại 2 lần. Lần thứ hai Đavít bị vua Saolê đích thân thân chinh đi lùng giết được Bài Đọc 1 hôm nay thuật lại. Thế nhưng, Đavít đã đối xử với vị vua thù địch của mình ra sao, chúng ta hãy đọc lại nguyên câu truyện của nó:

"Trong những ngày ấy, Saolê cùng với ba ngàn quân sĩ tinh nhuệ của Israel kéo xuống hoang địa Ziphô để vây bắt Ðavít. Ban đêm Ðavít và Abisai đến nơi quân sĩ (của vua) đóng, và thấy Saolê đang nằm ngủ trong lều, cây giáo của ông thì cắm xuống đất ở phía đầu. Abner và quân sĩ thì ngủ chung quanh ông. Abisai liền nói với Ðavít rằng: 'Hôm nay, Thiên Chúa đã trao kẻ thù trong tay ngài; vậy giờ đây xin cho tôi lấy giáo đâm ông ấy một phát thâu xuống đất, không cần đến phát thứ hai'. Nhưng Ðavít nói với Abisai rằng: 'Chớ giết ngài, vì có ai đưa tay phạm đến Ðấng Chúa xức dầu mà vô tội đâu?' Rồi Ðavít lấy cây giáo và bình nước ở phía đầu của Saolê và cả hai ra đi. Không ai hay biết và không ai thức dậy, nhưng mọi người vẫn ngủ, vì Chúa khiến họ ngủ say. Ðavít sang phía bên kia, đứng trên ngọn núi đàng xa, đôi bên cách xa nhau. Ngài hô lên rằng: 'Ðây là ngọn giáo của nhà vua, một trong các cận vệ của vua hãy qua đây mà lấy, Chúa sẽ báo đáp cho mỗi người tuỳ theo sự công minh và thành tín cuả họ, vì hôm nay Chúa trao đức vua trong tay tôi mà tôi không nỡ ra tay giết đấng được Chúa xức dầu'".

Bài Đọc 2 hôm nay Thánh Phaolô cho chúng ta biết về 2 Adong: cũ và mới, nhưng hoàn toàn khác nhau về tầm mức của bản chất của mình, ở chỗ Adong mới là Chúa Giêsu Kitô hoàn toàn trọn hảo hơn Adong cũ của nguyên tội: "Anh em thân mến, Ađam cũ là người có sự sống, còn Ađam mới thì có thần trí ban sự sống. Những điều có trước, không phải thuộc linh giới, mà là thuộc thể giới, rồi mới đến cái thuộc về linh giới. Người thứ nhất bởi đất mà ra, thì thuộc về địa giới, còn người thứ hai bởi trời mà đến, thì thuộc thiên giới. Người thuộc địa giới đó thế nào, thì những người khác thuộc địa giới cũng vậy; và người thuộc thiên giới đó thế nào, thì những người khác thuộc thiên giới cũng vậy".

Tuy nhiên, cho dù là vượt trội hơn Adong cũ về bản chất "linh giới" và "thiên giới" trọn hảo của mình, Adong mới cũng đã mặc lấy nhân tính của Adong cũ và như Adong cũ, nhờ đó, đã thăng hóa bản tính đã bị hư hoại theo nguyên tội của Adong cũ là con người thuộc "thể giới" và thuộc "địa giới". Do đó, khi lãnh nhận Phép Rửa Tái Sinh, Kitô hữu đã được biến đổi, hay đúng hơn đã được thánh hóa, đúng như Thánh Phaolô khẳng định ở câu cuối cùng của Bài Đọc 1 hôm nay: "Bởi thế, như chúng ta đã mang hình ảnh của người thuộc địa giới, thì chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh người thiên quốc như vậy". Mà "hình ảnh người thiên quốc" này ra sao,nếu không phải là hình ảnh đã được Chúa Kitô phác họa, mong muốn và kêu gọi các tông đồ của Người trở nên trong Bài Phúc Âm hôm nay: "nhân từ như Cha các con là Ðấng nhân từ".

Thế nhưng, thực tế phũ phàng cho thấy, cho dù, nhờ được Thánh Tẩy Tái Sinh, Kitô hữu vẫn chưa hoàn toàn được biến đổi, bởi vẫn mang nơi bản thân mình bản chất "thể giới" và "địa giới" của Adong cũ, nên vẫn tiếp tục hướng hạ theo trần gian và hướng nội theo lòng vị kỷ của mình, hoàn toàn ngược lại với giáo huấn trọn lành của Bài Phúc Âm hôm nay, không xứng đáng với phẩm vị và tư cách của một người con Thiên Chúa, đã được mặc lấy bản chất "linh giới" và "thiên giới" của Chúa Kitô và như Chúa Kitô. Bởi thế, họ mới liên lỉ cần phải than lên như câu xướng của Bài Đáp Ca hôm nay: "Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót", với tất cả tâm tình và ý thức về bản thân mình trước nhan Thiên Chúa xót thương của chính Bài Đáp Ca này: 

1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người.

2) Người đã tha thứ cho mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân, Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng.

3) Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân. Người không xử với chúng tôi như chúng tôi đắc tội, và không trả đũa theo điều oan trái chúng tôi.

4) Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi. Cũng như người cha yêu thương con cái, Chúa yêu thương những ai kính sợ Người.